Do quý khách không nêu rõ trước đây trong quá trình gia đình của quý khách làm thủ tục đăng ký kinh doanh thì chủ thể đứng đơn đăng ký kinh doanh là cá nhân hay một nhóm người hay hộ gia đình mà trong đó quý khách là thành viên đứng tên đăng ký kinh doanh. Do vậy, để quý khách thuận tiện trong việc thực hiện quyền đăng ký kinh doanh của mình, chúng tôi xin nêu ra các trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp, trước đây trong quá trình đăng ký kinh doanh, một cá nhân trong gia đình của quý khách đứng tên đăng ký kinh doanh. Nay một cá nhân khác trong gia đình của quý khách muốn kinh doanh ngành nghề khác và đứng tên đăng ký kinh doanh tại cùng địa chỉ mà trước đây cá nhân kia đã đứng tên đăng ký kinh doanh thì trên phương diện pháp lý rõ ràng là hai chủ thể khác nhau đăng ký kinh doanh tại cùng một địa điểm. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 49 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 thì trường hợp này được đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trường hợp trước đây, một nhóm người hoặc một hộ gia đình đứng đơn đăng ký kinh doanh, trong đó đã có thành viên mà hiện nay thành viên đó muốn đứng đơn đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia đình nữa thì theo quy định tại khoản 2, Điều 50 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ thì việc đăng ký kinh doanh này không được chấp nhận.
Về thủ tục đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh, Điều 52 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định như sau:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 56 Nghị định này;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
3. Nếu sau năm ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Hy vọng những thông tin tư vấn nêu trên sẽ giúp ích cho quý khách trong việc định hướng kinh doanh của gia đình mình.
Chúc quý khách thành công,
Câu hỏi khác
@ Bản quyền của Văn phòng luật sư Thái Thanh Hải
© 2012 www.hailawyers.com.vn. Design by ASB