Do anh không nêu rõ căn nhà và 6 sào đất bố anh để lại di chúc đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà gì hay chưa, ai đứng tên trên các giấy loại giấy tờ đó; bố anh có biết đọc, biết viết hay không, di chúc được lập có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của cơ quan công chứng hay không. Do vậy, chúng tôi không thể trả lời cho anh một cách chi tiết được, chỉ xin tư vấn cho anh một cách khái quát trên cơ sở quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai năm 2003 thì người sử dụng đất chỉ có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình cho người khác khi có đủ các điều kiện gồm:
a) Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, nếu bố anh đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 6 sào đất mà anh nêu thì bố anh mới có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất này lại cho các anh chị em của anh thông qua việc lập di chúc. Trường hợp 6 sào đất này đứng tên anh hoặc đứng tên người khác thì bố anh không có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất. Trường hợp bố anh lập di chúc để định đoạt quyền sử dụng đất mà mình không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì di chúc đó vô hiệu.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 652 BLDS năm 2005 thì:
« 1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật ».
Khoản 3 và Khoản 4, Điều 652 BLDS năm 2005 quy định:
« 3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này ».
Anh nên đối chiếu trường hợp của anh với quy định của pháp luật nêu trên xem Di chúc do bố anh lập để lại có thỏa mãn điều kiện có hiệu lực pháp luật của Di chúc hay không. Nếu di chúc do bố anh lập thỏa mãn tất cả những điều kiện có hiệu lực pháp luật của Di chúc thì Di chúc đó có hiệu lực pháp luật, có giá trị để thực hiện. Tuy nhiên khi công bố Di chúc này, anh vẫn có quyền yêu cầu những người thừa kế xác định và thanh toán cho anh phần công sức mà anh đã đóng góp vào 6 sào đất này trước khi phân chia di sản thừa kế. Nếu không thương lượng, thỏa thuận được, anh vẫn có quyền nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu Tòa án xác định phần công sức đóng góp của anh trong khối di sản 6 sào đất do bố anh để lại trước khi phân chia di sản này theo di chúc.
Trường hợp qua đối chiếu Di chúc do bố anh lập và quy định pháp luật nêu trên, anh thấy Di chúc do bố anh lập chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định để Di chúc có hiệu lực thì sau khi bố anh chết, anh có quyền nộp đơn đến Tòa án yêu cầu Tòa án tuyên bố Di chúc đó vô hiệu.
Hy vọng những thông tin nêu trên sẽ giúp ích cho anh trong quá trình giải quyết công việc của gia đình mình.
Trân trọng kính chào anh !
Câu hỏi khác
@ Bản quyền của Văn phòng luật sư Thái Thanh Hải
© 2012 www.hailawyers.com.vn. Design by ASB