1. Đặt vấn đề:
Xuất phát từ quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5 BLTTDS [1]), quyền yêu cầu phản tố của bị đơn (Điều 176 BLTTDS) và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 177 BLTTDS), do vậy trong nhiều trường hợp, Tòa án sẽ phải giải quyết nhiều quan hệ pháp luật (yêu cầu của đương sự) trong cùng một vụ án như ví dụ minh họa dưới đây:
A khởi kiện B yêu cầu trả 10.000.000 đồng – đây là tiền mà A đã giao trước cho B 01 tấn gạo theo hợp đồng mua bán gạo mà hai bên đã giao kết. B không chấp nhận và có yêu cầu phản tố yêu cầu A phải bồi thường thiệt hại số tiền 20.000.000 đồng do A giao không đúng số lượng và chất lượng gạo mà A đã thỏa thuận bán cho B.
Trong quá trình giải quyết vụ án, C có yêu cầu tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và có yêu cầu độc lập yêu cầu B bồi thường thiệt hại số tiền là 15.000.000 đồng do B không giao gạo cho C theo hợp đồng mà B đã giao kết với C.
Như vậy, trong vụ án này, có 02 quan hệ pháp luật Tòa án phải xem xét giải quyết, cụ thể:
- Thứ nhất, quan hệ hợp đồng mua bán gạo giữa A và B (quan hệ 1);
- Thứ hai, quan hệ hợp đồng mua bán gạo giữa B và C (quan hệ 2).
Trong quan hệ 1, Tòa án phải giải quyết 02 yêu cầu:
- A khởi kiện yêu cầu B trả tiền đối với số gạo đã nhận;
- B phản tố yêu cầu A bồi thường thiệt hại do A vi phạm hợp đồng.
Trong quan hệ 2, Tòa án giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của C đối với B do B vi phạm hợp đồng đã giao kết với C.
2. Vấn đề pháp lý đặt ra:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTDS: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp Tòa án ra một trong các quyết định sau:
- Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
- Đình chỉ giải quyết vụ án;
- Đưa vụ án ra xét xử.
Theo quy định này, một vụ án mà Tòa án đã thụ lý giải quyết, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sẽ chỉ phát sinh 01 trong 04 kết quả như điều luật vừa viện dẫn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong một vụ án mà Tòa án thụ lý thì chỉ phát sinh một kết quả giải quyết.
Tuy nhiên, theo quy định khoản 3 Điều 187 BLTTDS: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt.
Đối chiếu quy định này với vụ án như ví dụ nêu trên, giả định tại phiên hòa giải, B và C thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mua bán gạo mà B đã giao kết với C thì Thẩm phán có quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa B và C. Và do đó, trong vụ án này, tồn tại một quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa B với C và một bản án trong trường hợp A và B không thỏa thuận được, Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
Như vậy, với quy định tại khoản 3 Điều 187 BLTTDS, một vụ án mà Tòa án thụ lý giải quyết không nhất định chỉ phát sinh 01 trong 04 kết quả giải quyết như quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTDS.
Song, BLTTDS hiện hành chỉ đề cập đến vấn đề đương sự thỏa thuận được với nhau việc giải quyết vụ án, không đề cập vấn đề bị đơn rút lại yêu cầu phản tố hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút lại yêu cầu độc lập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Giả định trong vụ án như ví dụ đã viện dẫn, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, B rút lại yêu cầu phản tố và C rút lại yêu cầu độc lập. Tòa án sẽ giải quyết như thế nào trong 02 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: A vẫn giữ yêu cầu khởi kiện đối với B mặc dù đã được hòa giải tại phiên hòa giải.
- Trường hợp 2: Tại phiên hòa giải, A và B thỏa thuận được với nhau.
3. Quan điểm nghiên cứu và hướng đề xuất giải quyết:
3.1. Đối với trường hợp 1 (A vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, B rút yêu cầu phản tố, C rút yêu cầu độc lập):
Đối với vấn đề này, hiện tồn tại 02 quan điểm:
- Quan điểm 1: Trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS[2] và quy định tại khoản 2 Điều 179 BLTTDS, trường hợp này, Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa, nếu B và C vẫn giữ ý kiến rút lại yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì Hội đồng xét xử sẽ đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà đương sự đã rút và tiến hành xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của A theo thủ tục chung.
- Quan điểm 2: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu phản tố của B cũng như đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu độc lập của C và tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định để giải quyết yêu cầu khởi kiện của A. Quan điểm này dựa trên hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 10.1 mục 10 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chúng tôi thống nhất quan điểm 2, bởi lẽ:
- Thứ nhất, một vụ án trong thời hạn chuẩn bị xét xử, không nhất định Tòa án chỉ có thể ban hành 01 trong 04 quyết định là: đình chỉ, tạm đình chỉ, công nhận sự thỏa thuận hoặc đưa vụ án ra xét xử như chúng tôi phân tích và đề cập ở phần trên.
- Thứ hai, nghiên cứu điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS được hướng dẫn tại tiểu mục 10.1 mục 10 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP cho thấy: Tòa án chỉ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (điểm c, khoản 2 Điều 179 BLTTDS) trong trường hợp người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện mà trong vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn cũng như không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cụ thể, theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 10.1 mục 10 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP quy định: “Khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, thì Toà án cần phải xem xét trong vụ án có yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không. Trong trường hợp không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập, thì Toà án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”.
Với quy định này, rõ ràng nếu vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn cũng như yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - quyết định đình chỉ trong trường hợp này được xem là kết quả giải quyết đối với vụ án mà Tòa án thụ lý.
Song, trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, thì theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 10.1 mục 10 phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút (quyết định đình chỉ trong trường hợp này là quyết định đình chỉ đối với một yêu cầu cụ thể) và Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định lại địa vị tố tụng của các đương sự theo đúng quy định tại Điều 219 của BLTTDS và hướng dẫn tại mục 7 Phần III của Nghị quyết này.
Như vậy, có thể hiểu: Trong một vụ án, đương sự có yêu cầu mà rút lại yêu cầu thì Tòa án có quyền ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu mà đương sự rút.
- Thứ ba, việc Tòa án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu phản tố của B cũng như quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của C trong tình huống mà ví dụ đề cập phù hợp với quy định tại Điều 5 BLTTDS – quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự[3].
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra: đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, về yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc về yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có được xem như là kết quả giải quyết của vụ án đó hay không để phục vụ công tác theo dõi, thống kê và báo cáo.
Theo chúng tôi là không, vì thực tế vụ án vẫn tiếp tục giải quyết đối với các yêu cầu khác của đương sự. Do vậy, trong trường hợp này cần có một sổ theo dõi riêng đối với các quyết định đình chỉ giải quyết vụ án như vừa nêu và không được tính như là kết quả giải quyết của vụ án.
3.2. Đối với trường hợp 2 (B rút yêu cầu phản tố, C rút yêu cầu độc lập, A và B thỏa thuận được với nhau):
Như đã phân tích ở trường hợp 1, trong trường hợp này, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu phản tố của B cũng như đối với yêu cầu độc lập của C và căn cứ khoản 3 Điều 187 BLTTDS, Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa A và B.
Với trường hợp 2 này, nếu theo quan điểm 1 (không chấp nhận việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu phản tố của B cũng như yêu cầu độc lập của C) thì vụ án sẽ tiếp tục gặp vướng mắc. Bởi lẽ, khi A và B đã thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của A và B (theo khoản 3 Điều 187 BLTTDS). Lúc này, nếu Tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu phản tố của B cũng như yêu cầu độc lập của C thì Tòa án không xử lý được tiền tạm ứng án phí mà B và C đã nộp cũng như kết thúc vụ án. Giả định, trong tình huống này, Tòa án không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa A và B mà đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, tại phiên tòa, Tòa án đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của B và C, đồng thời công nhận sự thỏa thuận giữa A và B (theo khoản 2 Điều 218 và Điều 220 BLTTDS).
Song, nếu Tòa án chọn cách giải quyết như chúng tôi giả định sẽ làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của A và B. Bởi vì, trường hợp Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận trước khi mở phiên tòa thì đương sự chỉ phải chịu 50% án phí, còn nếu thỏa thuận tại phiên tòa thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó[4].
Ở góc độ khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 193 BLTTDS, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp người khởi kiện rút lại yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho họ. Vấn đề đặt ra là, tại phiên tòa, người khởi kiện rút yêu cầu nhưng do có yêu cầu phản tố của bị đơn nên Tòa án đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trong trường hợp này tiền tạm ứng án phí của nguyên đơn có được hoàn trả lại cho họ hay không. Trường hợp này, luật không quy định, liệu chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật như trong trường hợp nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm được quy định tại khoản 4 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 để buộc người khởi kiện vẫn phải chịu án phí trong trường hợp rút đơn tại phiên tòa[5].
Tóm lại, một vụ án mà Tòa án thụ lý giải quyết trong nhiều trường hợp tồn tại nhiều yêu cầu khác nhau của các đương sự trong vụ án. Do vậy, tuy luật hiện hành không đề cập vấn đề bị đơn rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cũng như việc Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với từng yêu cầu mà các đương sự rút hay không. Nhưng qua phân tích các điều luật có liên quan cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 cùng các hệ lụy phát sinh trong quá trình vận dụng giải quyết các tình huống như đã nêu, chúng tôi thống nhất việc Tòa án có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập trong trường hợp đương sự rút lại yêu cầu (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử).
[1] BLTTDS: Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011.
[2] Khoản 2 Điều 218 BLTTDS: “Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.
[3] Điều 5 BLTTDS:
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
[4] Khoản 11 – 12 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
[5] Khoản 4 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009:
Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên toà phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm
Bài viết liên quan:
@ Bản quyền của Văn phòng luật sư Thái Thanh Hải
© 2012 www.hailawyers.com.vn. Design by ASB